Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập và đoàn kết quốc tế

Thấm thoắt đã 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về thế giới vĩnh hằng nhưng tư tưởng của Người vẫn tỏa sáng dẫn dắt chúng ta. Di chúc của Người - từ bản thảo đầu tiên viết năm 1965 đến những đoạn bổ sung trong những năm tiếp sau - là lời nhắn nhủ chân tình về những điều cần làm cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công
pdf 23 trang Khánh Bằng 30/12/2023 3320
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập và đoàn kết quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdftham_nhuan_tu_tuong_ho_chi_minh_ve_hoi_nhap_va_doan_ket_quoc.pdf

Nội dung text: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập và đoàn kết quốc tế

  1. độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đi ngược với xu thế chung, dù có nỗ lực đến đâu cũng khó thành công. 2 - Trong sự hội nhập và đoàn kết quốc tế, nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều không thay đổi. Năm 1946, đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Quốc hội và Chính phủ Pháp, nêu rõ: “Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi thì nước Pháp sẽ chiếm được trái tim và tình cảm của tất cả những người Việt Nam”(8). Với chính phủ Mỹ, Người kiên quyết yêu cầu: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam”(9). Chính vì mục tiêu và nguyên tắc đó, nhân dân Việt Nam đã phải đổ bao xương máu trong suốt những năm kháng chiến vì độc lập và thống nhất đất nước. Cuối cùng, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hiệp định Pa-ri năm 1973 đều ghi nhận các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tại Giơ-ne-vơ, nước Pháp đã phải cam kết điều đó và
  2. 19 năm sau, tại Pa-ri nước Mỹ cũng phải cam kết điều đó. Nhờ vậy, sau khi hòa bình lập lại, với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã được thiết lập, phát triển trên tinh thần hữu nghị và hợp tác. Trong hoàn cảnh hòa bình kiến thiết đất nước, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết vô cùng chặt chẽ. Nó phải được thể hiện rõ ràng trong quan hệ quốc tế, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh đến kinh tế, xã hội. Không thể vì áp lực chính trị và kinh tế mà chủ quyền của ta bị tổn hại, không thể vì áp lực quân sự mà lãnh thổ của ta bị tổn thất, an ninh của ta bị đe dọa. Dù không ở trong tình thế chiến tranh khốc liệt như trước đây nhưng vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn là điều không thể coi nhẹ. Có gìn giữ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì mới có được nền hòa bình vững chắc, mới tạo dựng được môi trường an ninh và ổn định cho sự phát triển lâu dài.
  3. 3 - Hội nhập và đoàn kết quốc tế nhằm tiến tới việc xây dựng sự hợp tác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Trong Thư gửi Liên hợp quốc (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”(10). Kèm đó, Người nêu ra một số giải pháp cụ thể như Việt Nam sẽ dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; sẵn sàng chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế; sẵn sàng ký kết các hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan Ngay trong những năm kháng chiến, Người đã dự tính: “Chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”, “chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(11). Rõ ràng,
  4. những nét lớn đó đã phác họa cả một chương trình phát triển và hợp tác với các nước, với các đối tác mà Người đã định liệu từ 40 năm trước khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Bàn về quan hệ hợp tác, Người luôn nhấn mạnh đến thực lực của bản thân là nhân tố quyết định thành công. Trong cuộc đấu tranh giải phóng, được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, Người thường nhắc nhở phải “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp mình thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã”. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.(12) Có thể thấy ở đây một lời cảnh báo nghiêm khắc, chẳng những đúng trong thời kỳ chiến tranh mà có ý nghĩa rất thiết thực với mối quan hệ hợp tác trong thời kỳ hòa bình. Trong công tác ngoại giao, Người dặn dò: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”(13). Nói rộng ra, thực lực trước
  5. hết phải xuất phát từ việc định ra đường lối đúng phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh của nước ta mà không ai có thể làm thay, cũng không thể để cho ai làm thay được. Đó chính là tính độc lập tự chủ trong đường lối phát triển, trong việc hoạch định chính sách và đề ra các biện pháp thực hiện. Ngày nay, trong mối quan hệ đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa, việc kiên trì đường lối độc lập, tự chủ là một thách thức lớn, đồng thời là một nguyên tắc không thay đổi. Xuất phát từ mục tiêu lâu dài và hoàn cảnh hiện nay, Đảng khẳng định “Lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung xây dựng và phát triển kinh tế” như nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI đã chỉ rõ. Đó chính là đường hướng chung để xử lý các vấn đề cụ thể trong quan hệ quốc tế của nước nhà nhằm bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính. Chúng ta bước vào nền kinh tế thế giới trong giai đoạn toàn cầu hóa nhằm mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,
  6. tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến. Nước ta vốn xuất phát từ một nền kinh tế lạc hậu, sự hội nhập kinh tế quốc tế quả là không dễ dàng. Thành tựu hơn 20 năm đổi mới đánh dấu sự đúng đắn của chủ trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện sự nỗ lực và bước phát triển của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song, khó khăn còn nhiều, thách thức còn ở phía trước. Xây dựng cho được một nền kinh tế tự chủ, có thực lực là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội. Bởi vì chỉ có thực lực thì mới có thể hội nhập thành công vào các hoạt động kinh tế thế giới với sự khắt khe của quy luật cạnh tranh và sự ganh đua không nhân nhượng của các đối tác. 4 - Hội nhập và đoàn kết quốc tế cần “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn”(14). Với phương châm “thêm bạn bớt thù”, cách mạng Việt Nam luôn xác định rõ ai là bạn, ai là thù, phân hóa “bạn”, “thù” ngay trong hàng ngũ đối phương để giành được sự đồng tình, ủng hộ
  7. nhiều nhất. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp, cũng không nhằm đánh vào những người Pháp lương thiện, mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp”(15). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nhắc lại quan điểm đó: “Tôi đã đến nước Mỹ, tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng”(16); “Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình”(17). Nhờ quan điểm đúng đắn đó mà ở Pháp và ở Mỹ đã dấy lên phong trào các tầng lớp nhân dân đòi chính phủ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tiếng nói phản chiến từ các cuộc biểu tình trên đường phố đã tác động vào nghị viện và chính phủ buộc giới cầm quyền phải ký hiệp định đình chiến, rút quân về nước. Có thể nói trong lịch sử thế giới, hiếm có trường hợp nào mà cuộc chiến đấu của một dân tộc lại giành được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước đối phương rộng lớn, mạnh mẽ đến vậy. Nguồn gốc cơ bản là do chính nghĩa thuộc về chúng ta, với quan điểm đoàn kết quốc tế, chúng ta đã
  8. giương cao ngọn cờ chính nghĩa đó. Theo đường lối đổi mới, Việt Nam mở rộng mối quan hệ bạn bè, đối tác gồm những ai phấn đấu vì mục tiêu chung là “hòa bình, độc lập và phát triển”. Trong quan hệ đó vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Những ai đi đúng mục tiêu và nguyên tắc đó, tôn trọng độc lập chủ quyền, xây dựng quan hệ bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đem lại lợi ích cho tất cả các bên thì đều là bạn, là đối tác của ta. Những ai đi ngược những điều trên, có âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Nhưng, trong mỗi đối tượng cũng có mặt cần tranh thủ, trong mỗi đối tác cũng có điều phải đấu tranh, đấu tranh để hợp tác. Sự kết hợp đúng đắn, linh hoạt giữa hợp tác và đấu tranh sẽ làm cho chúng ta tranh thủ được nhiều lực lượng ủng hộ và hạn chế những thế lực thù địch chống phá ta, tránh trực diện đối đầu, tự đẩy mình vào thế cô lập hoặc lệ thuộc.
  9. 5 - Hội nhập và đoàn kết quốc tế phải “dựa vào lực lượng nhân dân” ở trong nước cũng như trên thế giới. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pa-ri với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp. Ngoài những buổi tiếp xúc chính thức với đại diện chính phủ và các chính khách, Người dành nhiều thời gian gặp gỡ các đoàn thể quần chúng, giới báo chí và đông đảo Việt kiều. Qua các cuộc trò chuyện thân tình, Người đã phân tích tính chất chính nghĩa của nước Việt Nam mới, bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp, chia sẻ niềm lo âu với các bà mẹ, người chị có con em bị điều sang Đông Dương. Nhờ vậy cuộc kháng chiến của Việt Nam đã tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Pháp và chính họ đã góp phần tích cực vào việc buộc chính phủ Pháp phải đình chiến và rút quân khỏi Đông Dương. Về sau, Người cũng viết nhiều bức thư, gửi những lời nhắn nhủ đến nhân dân Mỹ để làm rõ tính chất xâm lược của đội quân viễn chinh Mỹ, nêu bật tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Người khơi gợi ở thanh niên, sinh
  10. viên và nhân dân Mỹ truyền thống đáng tự hào của nước Mỹ với những tên tuổi Oa-sinh-tơn, Lin-côn, Ru-dơ-ven; Người chia sẻ nỗi đau của những bà mẹ mất con, người vợ mất chồng trên chiến trường xa không vì mục đích lý tưởng cao cả. Trong các cuộc đi thăm các nước, Người cũng hòa vào quần chúng, thân mật thăm hỏi và khích lệ từ các cháu thiếu nhi, thanh niên đến các bậc phụ lão. Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu phục trái tim nhân dân thế giới, đi vào lòng người, tạo nên sức mạnh tinh thần ủng hộ Việt Nam. Đó chính là “ngoại giao tâm công”, nền tảng của đường lối đối ngoại nhân dân, một mặt trận rộng lớn kết hợp chặt chẽ với hoạt động đối ngoại của Đảng và của Nhà nước. Với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa ngày nay, cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài được mở rộng, hoạt động đối ngoại không chỉ thu hẹp trong các cơ quan ngoại giao mà đã bao gồm toàn xã hội. Bất cứ ai, từ học giả, doanh nhân cho đến bất cứ người dân thường nào cũng đều có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài. Chính sự gặp gỡ đó là dịp giao lưu văn hóa,
  11. thể hiện đất nước và con người Việt Nam, phản ánh thành tựu kinh tế và xã hội Việt Nam. Cho nên tạo được những ấn tượng đẹp, tình cảm sâu trong con mắt người nước ngoài cũng là đóng góp vào thành quả của đối ngoại nhân dân. Đồng thời sự giao lưu với nước ngoài cũng tạo điều kiện để chúng ta hiểu biết về thế giới, về văn hóa thế giới và qua đó có thể tiếp thu điều hay, lẽ phải, đồng thời hạn chế những mặt xấu, tiêu cực. Như vậy, đối ngoại nhân dân chính là một mặt trận góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. * * * Điểm lại một số nét cơ bản trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm sâu công ơn của Người và ra sức thực hiện những lời Người để lại. Tinh thần và tình cảm quốc tế của Người được ghi sâu đậm nét trong lời kết của bản Di chúc thiêng liêng: “Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Bốn mươi năm Bác đã đi xa, lời Người nhắn nhủ vẫn còn vang
  12. mãi với non sông, với đời đời con cháu./. (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội ,1996, t 12, tr 509 (2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 2, tr 301 (3) Văn kiện Đảng: Toàn tập (1940 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 7, tr 114 (4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 220 (5) Văn kiện Đảng đã dẫn, t 8, tr 437 (6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 19 (7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 11, tr 434
  13. (8) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 303 (9) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 489 (10), (11) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 470, tr 74 (12) Văn kiện Đảng đã dẫn, t 7, tr 244 (13) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 126 (14) Văn kiện Đảng đã dẫn, t 8, tr 27 (15) Hồ Chí Minh: Sđd, t 4, tr 65 (16) Hồ Chí Minh: Sđd, t 11, tr 271 (17) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 93