Hồ Chí Minh – Con người của sự sống - Mạch Quang Thắng

Nhiều người hỏi tôi: tại sao Hồ Chí Minh mang tên gọi này, tên gọi nọ, bút danh này, bút danh nọ; tên đó, bút danh đó mang ý nghĩa gì? Tôi cho rằng, trừ một vài tên gọi có thể giải thích được nguyên do, ý nghĩa, nhưng hầu hết không thể giải thích được. Trong cuốn sách này, tôi dùng một tên gọi trong rất nhiều tên gọi để bạn đọc tiện theo dõi, đó là Hồ Chí Minh.
doc 248 trang Khánh Bằng 29/12/2023 1680
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Hồ Chí Minh – Con người của sự sống - Mạch Quang Thắng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • docho_chi_minh_con_nguoi_cua_su_song_mach_quang_thang.doc

Nội dung text: Hồ Chí Minh – Con người của sự sống - Mạch Quang Thắng

  1. Việt Nam lúc này, năm 1992-1993, theo tôi được biết, có ít nhất hai đoàn sang khai thác những tài liệu liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh tại kho lưu trữ Mátxcơva. Một đoàn của Cục lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một đoàn của Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước giai đoạn 1991-1995 Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, mã số KX.02. Chương trình này do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, Giáo sư Viện trưởng Đặng Xuân Kỳ làm Chủ nhiệm. Tôi đã nghiên cứu các tài liệu này hiện đang lưu ở Cục Lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và một phần lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Sau thời gian khai thác tài liệu từ nguồn này, cả ở trong và ngoài nước, người ta đã công bố một số tài liệu về Hồ Chí Minh mà từ trước đến lúc bấy giờ chưa được ai công bố, trong đó cải chính, đính chính lại một số bài viết của Hồ Chí Minh mà do trước đây chưa có tài liệu gốc để kiểm chứng cho chính xác. Một số tài liệu được bổ sung, đưa vào bộ Hồ Chí Minh Toàn tập gồm 12 tập được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản trong hai năm 1995, 1996 (Sau này, đến năm 2000, 2001, bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập được tái bản không sửa chữa, bổ sung) [5]. Ngày 18-5-2005, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Quyết định số 142/QĐ-TW, đã chủ trương tổ chức tiến hành sưu tầm, xác minh, bổ sung các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh cho bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, dự định sẽ xuất bản vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh, năm 2010. Năm 2006, trong một lần đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội, ông S.V. Xtépashin (Tổng Kiểm toán Liên bang Nga) đã có ấn tượng rất sâu sắc về những tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng. Tính đến thời điểm năm 2006, Bảo tàng Hồ Chí Minh của Việt Nam đã lưu giữ được 130 000 tài liệu, hiện vật gốc về Hồ Chí Minh, trong đó trưng bày hơn 2 500 tài liệu, hiện vật. Theo đề nghị của S.V. Xtépashin, trong dịp Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 11 năm 2006 ở Hà Nội và nhân đó thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Liên bang Nga Vlađimia Vlađimirôvích Putin đã trao cho Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết bộ phim tài liệu “Tên Người là Hồ Chí Minh”, nhiều bản sao tài liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam và về Hồ Chí Minh từ kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản trước đây. Gần đây nhất là vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2006, Đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Bộ Văn hoá – Thông tin Việt Nam (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã dành ra một tháng sang sưu tầm tài liệu tại Kho lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội Liên bang Nga. Đoàn đã sưu tầm được 1 000 trang tài liệu trong số hàng vạn trang về Hồ Chí Minh. Đó là những bức thư, các bản báo cáo, bản thảo, bút tích, nhiều bài viết của Hồ Chí Minh những năm 1923 – 1952 chủ yếu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga; những bài phát biểu của ông trên nhiều diễn đàn quốc tế; không ít giấy tờ cá nhân liên quan đến hoạt động của ông những năm 1922 – 1938 (thẻ dự các Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, Đại hội Quốc tế Cộng sản, Đại hội Quốc tế Thanh niên, thị thực nhập cảnh nước Nga, hộ chiếu, một số bản khai lý lịch, v.v.). Có cả những đoạn phim tư liệu ghi dấu ấn của Hồ Chí Minh dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Hội nghị Quốc tế nông dân. Vẫn còn hàng trăm thước phim tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh có trong Kho lưu trữ này của Liên bang Nga. Đó là chưa kể có thể còn rất nhiều những tư liệu quý về Hồ Chí Minh đang lưu giữ tại nhiều kho lưu trữ ở các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đài Loan thậm chí ở trong một số cá nhân. Những tài liệu ở các kho lưu trữ thật đáng quý. Nhưng, dù chúng đáng quý như thế nào đi chăng nữa thì cũng cần được thẩm định, được nhận thức một cách đúng đắn qua tư duy của người nghiên cứu. Những tài liệu lưu trữ là những chứng cứ, song những chứng cứ ấy bao giờ cũng bị chế định bởi hoàn cảnh lịch sử và muôn vàn yếu tố khác nữa. Nó chưa hoàn 11
  2. toàn là sự thật. Nó chỉ là một mảnh ghép nào đó thôi của sự thật. Do vậy, mới có tình trạng là tài liệu cùng một nguồn nhưng nhận thức, đánh giá của một số người lại trái ngược nhau. Cho đến hiện nay, tài liệu của Hồ Chí Minh (tức là chính những bài nói, bài viết của bản thân Hồ Chí Minh), tài liệu về Hồ Chí Minh (tức là những bài viết của nhiều người cả trong và ngoài nước Việt Nam về Hồ Chí Minh, trong đó có cả những bài viết đã được khuôn vào hàng sách giáo trình, tập bài giảng chung, cũng như giáo trình dùng trong các học viện, các trường đại học và cao đẳng) có rất nhiều[6]. Với mạng internet hiện nay, có không ít quyển sách, bài viết về Hồ Chí Minh được tung lên mạng đủ các cỡ, các dạng, với những động cơ không trong sáng, biểu đạt rất phức tạp, trong đó đáng chú ý là những trang sách, những bài viết tiếng Việt của các tác giả người gốc Việt Nam, như Bùi Tín, Nguyễn Thế Anh, Lê Hữu Mục, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên Lại có một dạng sách tham khảo nữa là các chuyện kể có liên quan đến Hồ Chí Minh. Các chuyện kể này là hồi ký, hồi tưởng của những người cùng hoạt động với Hồ Chí Minh, của những người được một hay nhiều lần gặp Hồ Chí Minh. Thậm chí, lạ thay, cả của những người chưa từng gặp Hồ Chí Minh lần nào lại biên soạn những chuyện kể về Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là con người của hành động. Có nhiều khi quan điểm của ông, tư tưởng của ông lại phát tiết từ chính hành động chứ không từ sách, báo của ông, không từ lời nói của ông. Do đó, những chuyện kể đóng góp một phần quan trọng nào đó cho việc tìm hiểu ông. Những bài viết, những cuốn như của T. Lan “Vừa đi đường vừa kể chuyện” hay của Trần Dân Tiên “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đang nghi là do chính Hồ Chí Minh viết), v.v. hay những bài báo, những cuốn sách kể chuyện hoặc viết về cuộc sống thường nhật của Hồ Chí Minh cũng rất quý. Trong số đó, tôi thích nhất là những câu chuyện kể của ông Sơn Tùng, có những câu chuyện liên quan đến Hồ Chí Minh mà chưa viết bao giờ. Tôi rất thích những bài viết, chuyện kể về Hồ Chí Minh của Vũ Kỳ, nhật ký của Lê Văn Hiến, bài viết, chuyện kể của Việt Phương, tác phẩm của Vũ Đình Hoè về pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, những chuyện kể rủ rỉ rù rì mộc mạc rất có duyên của Hoàng Đạo Thúy, v.v. Năm 2004, trong khuôn khổ tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 năm đổi mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã tiến hành nghiên cứu hai chương trình khoa học trọng điểm, trong đó có Chương trình tổng kết Nghiên cứu, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới. Công trình khoa học này đã được Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản tháng 5 năm 2005[7]. Công trình đã tổng thuật, tuy chưa được đầy đủ, nhưng cũng đã nêu lên được những nét chính về các công trình ở trong và ngoài nước viết về Hồ Chí Minh. Một điều tôi cần nêu ở đây là, mặc dù tài liệu của Hồ Chí Minh và về Hồ Chí Minh nhiều như vậy nhưng vẫn còn nhiều tài liệu vẫn còn đang ở dạng nghi vấn, nhiều tài liệu về Hồ Chí Minh, nhiều chuyện kể (hồi ký, hồi tưởng) về Hồ Chí Minh còn chưa đạt được tính chân xác. Điều này là dễ thấy. Trí nhớ của con người, động cơ của người đưa tin khác nhau. Không nói đâu xa, ngay cả những sự kiện, không phải sự kiện nhỏ mà sự kiện lớn hẳn hoi, diễn ra cách đây không lâu lắm, chẳng hạn sự kiện ở Dinh Độc Lập (Sài Gòn) trưa ngày 30-4-1975, mà mỗi người nhớ một phách, ỏm tỏi lên, ai cũng bảo là mình đúng. Việc sưu tầm những tư liệu, hiện vật của Hồ Chí Minh, về Hồ Chí Minh vẫn đang còn ở phía trước, chủ yếu là ở các kho lưu trữ nước ngoài, ở những cá nhân nào đó trên khắp bốn phương trời vì vốn dĩ Hồ Chí Minh có lẽ là một người hoạt động chính trị đi nhiều nhất các nước trên thế giới (khoảng gần 40 lượt nước trong vòng 30 năm, từ năm 1911 đến năm 1941). Chúng ta mới biết được những điều chủ yếu nhất trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, còn những chi tiết của cuộc đời Hồ Chí Minh, có lẽ khó mà biết được một cách hoàn toàn. II. Quan điểm 12
  3. ĐỪNG VẼ RẮN THÊM CHÂN “Các chú đừng vẽ rắn thêm chân”, đó là câu Hồ Chí Minh thường nói với những người sống gần ông khi những người đó miêu tả, đánh giá, nhận định về một người hay một việc nào đấy. Ngay cả việc Hồ Chí Minh thấy người khác nói, viết về mình, nặn tượng, vẽ tranh về mình, ông cũng rất ngại, và thường là ông khuyên người ta đừng có làm điều đó. Thời còn là sinh viên ở trong ký túc xá của đất Mễ Trì (Hà Nội), nơi mà các lớp học trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân của Mỹ mới từ nơi sơ tán trở về (năm 1970), có một đêm các lớp sinh viên chúng tôi đã được nghe ông Hoài Thanh, một nhà thơ có tiếng cũng là một cây bút phê bình văn học sắc sảo, nói chuyện về thơ Hồ Chí Minh, có nghệ sĩ Kim Cúc ngâm thơ “minh hoạ”. Tôi nhớ rất đậm lời ông Hoài Thanh bình rằng: “Thơ Bác hay vì đó là thơ Bác”. Có lần, trong đêm, Hồ Chí Minh nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, có buổi nghe thấy ông Hoài Thanh bình thơ của Hồ Chí Minh. Một hôm, tình cờ gặp Hoài Thanh trong một hội nghị, Hồ Chí Minh nói vui với Hoài Thanh rằng, thơ của ông không hay đến thế; những ý tứ mà Hoài Thanh bình ở trong Đài, thì khi làm thơ, chính bản thân Hồ Chí Minh không nghĩ đến. Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà thơ. Lúc trong tù của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, năm 1942, ông tâm sự thể hiện trong bài thứ hai, tập Ngục trung nhật ký: Khai quyển Lão phu nguyên bất ái ngâm thi, Nhân vị tù trung vô sở vi; Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật, Thả ngâm thả đãi tự do thì. Nam Trân dịch: Mở đầu tập nhật ký Ngâm thơ ta vốn không ham, Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây; Ngày dài ngâm ngợi cho khuyây, Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do. Còn trong cuộc sống hằng ngày, kể cả khi làm Chủ tịch nước, ông làm thơ để giãi bày, để kêu gọi mọi người trong các phong trào thi đua yêu nước. Ông khiêm tốn đã đành, nhưng ông sợ người ta “vẽ” sai mình, mà đó chính là điều quan trọng nhất. Sự thật là những điều ai cũng có thể thấy rõ trong cuộc sống. Nhưng, không ít những sự thật bị che dấu, che lấp, bị nằm lẫn trong vô vàn cái sự rối cuộc đời. Có khi sự thật đã trở thành một thứ “trầm tích” mà nếu muốn biết rõ, hiểu rõ thì phải khai nó lên. Khác và đối lập với sự thật là những điều giả dối, xuyên tạc. Người ta hay gây nhiễu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh[8]. Hồ Chí Minh có vợ có con hay không là câu chuyện bị gây nhiễu nhiều nhất. Ngày 3-11-1946, ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai của Hồ Chí Minh đến thăm em, nhân lúc vui vẻ có hỏi em mình: “Tôi muốn hỏi riêng chú, việc gia đình riêng của chú ra sao?”. Hồ Chí Minh trả lời hóm hỉnh: “Cảm ơn anh, em chưa bao giờ dám nghĩ đến việc này, đến nay đã tu, tu trót, qua thì thì thôi. Em không phải là người tu hành nhưng vì việc nước quên việc nhà”[9]. Tháng 1 năm 1947, Hồ Chí Minh viết trong bức thư chia buồn khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, người theo đạo Thiên Chúa, oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn 13
  4. ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc”[10]. Ngày 16-7-1947, trả lời câu hỏi thứ mười của một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó, tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”[11]. Năm 1948, cũng trong thời kháng Pháp, trong cơ quan Phủ Chủ tịch ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh là người hay khơi các trò chơi sau giờ làm việc. Có khi đó là một buổi tối lửa trại, tự diễn tuồng, chèo, kịch tại chỗ, có cả hoạt náo viên, có khi là họa thơ, đối thơ, v.v. Trong những buổi vui vẻ như vậy, nhiều người đề nghị Hồ Chí Minh lấy vợ. Có lần Hồ Chí Minh nói: “Các chú hỏi bao giờ Bác lấy vợ, phải không? Có hỏi thì có trả lời nhé: Không lâu nữa đâu! Bao giờ dân ta toàn thắng, Bắc – Nam sum họp một nhà!” [12]. Còn Phan Anh, khi thấy sức khoẻ của Hồ Chí Minh có phần giảm sút trong những ngày gian khổ tại An toàn khu (ATK) năm 1948 lúc Hồ Chí Minh 58 tuổi, trông Hồ Chí Minh đã già lắm rồi, có đề nghị Hồ Chí Minh lập gia đình để có người thân thương hằng ngày săn sóc, thì Hồ Chí Minh thủng thẳng nói: “Ông bảo thế tôi không phải là con người à? Tôi sống như mọi người mà. Có phải thần, thánh gì đâu Nhưng ông thấy đấy: việc nước bề bộn như vậy!”[13]. Người ta có quyền không tin những điều trên đây do chính bản thân Hồ Chí Minh viết và nói. Nhưng, ai và những tài liệu nào xác đáng để chứng minh rằng Hồ Chí Minh có vợ, có con? Không, không có tài liệu nào thuyết phục người đọc được cả. Tôi bày tỏ quan điểm của tôi rằng: việc Hồ Chí Minh có vợ, có con hay không có vợ, không có con thì chẳng ảnh hưởng gì đến tư cách, đạo đức của ông cả. Nếu ông có vợ, có con, nghĩa là có gia đình riêng, thì với những gì ông đã cống hiến cho đất nước, tôi vẫn nhận định được rằng: Hồ Chí Minh đã hy sinh lợi ích riêng tư để dâng hiến cho Tổ quốc thân yêu của mình. Không phải không có vợ con mới là hy sinh chuyện riêng tư. Chỉ có điều là nếu Hồ Chí Minh có vợ thì đấy mới là chính là một con người hoàn chỉnh, không phải là phản tự nhiên. Cũng chính vì thế mà chúng ta hay nói người vợ hay người chồng chính là một nửa bên kia của nhau. Hồ Chí Minh cũng không ít lần nói về cái khiếm khuyết của chính cuộc đời mình, và một trong những khiếm khuyết đó là không có vợ; do vậy ông khuyên thanh niên Việt Nam đừng nên học mình về điều đó. Nếu Hồ Chí Minh có vợ con thật thì ông không thể giấu được trong ngần ấy năm. Giấu làm sao được trong con mắt của hàng triệu, hàng triệu con người giữa thế gian, ở đất nước Việt Nam của ông và cả ở trên thế giới. Người bình thường đã khó giấu, huống hồ ông lại là một người nổi tiếng, ông là con người của công chúng, thì lại càng khó giấu hơn. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cái kim trong bọc lâu ngày rồi sẽ lòi ra”. Đã rất lâu ngày, nhưng cái bọc không thấy lòi ra một cái kim nào cả. Làm gì có cái kim nào. Còn miệng thế gian thì càng không thể nào che được. Ông Sơn Tùng là người rất rành và rất đúng đắn về việc nghiên cứu Hồ Chí Minh. Sơn Tùng là nhà viết văn, nhà báo, nhà thơ. Ông đã có thơ mà Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã phổ nhạc (bài Gửi em chiếc nón bài thơ) [14]. Nhưng điều này thì không phải ai cũng biết: cả cuộc đời ông nghiên cứu Hồ Chí Minh một cách say mê, nghiêm túc, chỉn chu, đầy bản lĩnh. Sơn Tùng đi nhiều, viết nhiều, mà đề tài dường như chuyên sâu nhất và dường như duy nhất là về Hồ Chí Minh, mà tác phẩm nổi tiếng nhất, có tiếng vang nhất của ông là Búp sen xanh đến nay đã tái bản hơn 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng (Tác phẩm này có lúc bị “đánh” một cách phũ phàng, vô lối). 14
  5. Sơn Tùng lao động, tìm hiểu vấn đề một cách say sưa, tận tụy với công việc, cày sâu, cuốc bẫm, thâm canh trên mảng đề tài Hồ Chí Minh. Điều đáng ngạc nhiên là ông là một thương binh nặng nhất trong thang bậc xếp hạng hiện nay ở nước ta (hạng 1/4), hiện vẫn còn mảnh đạn ở trong đầu, vết thương vẫn còn hành hạ ông. Mấy buổi chiều mới chớm hạ năm 2007, lần theo cái ngõ nhỏ ồn ã, gập ghềnh, lổn nhổn đầy ổ gà, tôi đến thăm Sơn Tùng và nhân đó ngỏ ý mời ông đến trao đổi ý kiến chung quanh vấn đề nghiên cứu Hồ Chí Minh cho nhóm nghiên cứu của tôi ở Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhưng thấy ái ngại quá cho ông. Những ngày đó, thi thoảng Sơn Tùng vẫn bị máu rỉ từ tai ra. Thường thì những buổi chiều trong căn hộ xinh nhỏ của Sơn Tùng mà ông gọi là Chiếu Văn ở trên gác hai chung cư ngõ Văn Chương chật hẹp, bất cứ mùa hè nóng bỏng hay mùa đông buốt giá, vẫn thế, vẫn hiện một con người nhỏ thó, đầy nghị lực, ngồi tiếp khách theo lối thiền, không bàn, không ghế mà ngồi bệt xuống sàn gỗ. Tiếng con chim cu gáy sống tự do không lồng như một thành viên trong gia đình Sơn Tùng, nó hay đứng trên giá sách cất tiếng gù chào mỗi khi có khách đến nhà, thật vui, mà ông gọi đó là “tiếng vàng cu gáy mênh mang thành phố vào Xuân” (Rất tiếc, mèo đã bắt trong một lúc chủ nhà sơ sẩy). Sơn Tùng và gia đình ông sống một cuộc sống đạm bạc. Hằng ngày, Sơn Tùng vẫn thiền như là một phương thuốc cực kỳ hiệu nghiệm cho cuộc sống. Bởi vậy, đến nay, khi tôi viết bổ sung những trang sách của phần này, vào năm 2008, Sơn Tùng đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, vẫn viết đều. Trong những buổi chiều tà mùa đông trước đó, vào những năm cuối thế kỷ XX, trong tiếng gió bấc rít dài từng cơn đập vào cánh cửa tầng hai khu chung cư cổ lâu ngày thiếu sự trung tu có vẻ ọp ẹp, trong cái màn mưa phùn như bụi giăng đầy ngõ nhỏ Văn Chương của phố Khâm Thiên (Hà Nội), Sơn Tùng nói cho tôi những điều sâu lắng về Hồ Chí Minh. Ông nói chậm rãi, khúc triết, mắt của người thương binh chống Mỹ ấy nhìn xa xăm như rọi thấu vào quá khứ, lôi nó trở về với cuộc sống ồn ã chốn thị thành ngõ nhỏ nơi gia đình ông đang ở. Giọng Diễn Châu xứ Nghệ gốc của Sơn Tùng không lẫn vào đâu được, phảng phất âm điệu của miền bắc phát ra ở xứ Nghệ. Không biết cái âm điệu ngôn ngữ ấy gốc là từ bắc vào hay lại chính từ gốc Diễn Châu lan ra bắc? Chưa biết chừng. Qua nhiều buổi tôi nghe ông nói hoặc tôi hóng chuyện ông nói với người khác tại căn xép nhỏ của ông, thì ra, có ba điều tôi ngỡ ngàng. Thứ nhất, trong các tác phẩm của Sơn Tùng, dù là bài báo, là tiểu thuyết, là ký, v.v. thì đều từ cái nền nghiên cứu khoa học của ông mà ra. Ông nghiên cứu theo kiểu riêng của ông, tỷ mỉ, cẩn trọng, theo phương pháp khoa học, có đối chiếu, có kiểm định. Có nhiều sự kiện, Sơn Tùng đến tận nơi nghiên cứu, xem xét, kiểm định, đối chiếu, có những lúc khó khăn hoặc vết thương tái phát không tự mình đi được thì phu nhân của ông đưa đi. Sơn Tùng chính là nhà Hồ Chí Minh học thực thụ. Ông biểu đạt những kết quả nghiên cứu của ông về Hồ Chí Minh cho bàn dân thiên hạ biết theo cách riêng của ông, và chỉ mình ông, độc nhất vô nhị, mới có có cái cách đó. Thứ hai, gia đình Sơn Tùng có quan hệ họ hàng với Hồ Chí Minh. Bà nội Sơn Tùng (Cụ Hà Thị Tự), là cháu họ bà nội Hồ Chí Minh (Cụ Hà Thị Hy). Em trai ông nội của Sơn Tùng đỗ tú tài cùng khoa với em trai ông ngoại Hồ Chí Minh. Đã từ lâu, từ trong kháng chiến chống Pháp 9 năm, Sơn Tùng đã có ý thức tìm hiểu, nghiên cứu về gia đình họ tộc Hồ Chí Minh, đã đến Kim Liên nhiều lần hầu chuyện và được chị, anh của Hồ Chí Minh là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm hết sức tin cậy. Điều này thì Giáo sư Phan Ngọc đã viết trong mấy trang đầu cuốn Hoa râm bụt của Sơn Tùng lần xuất bản của Nhà xuất bản Thông tấn năm 2007. Thứ ba, bên trong và đằng sau những trang ký, những tiểu thuyết, những bài báo của ông là ngồn ngộn những tư liệu về Hồ Chí Minh mà Sơn Tùng đã mã hoá theo cách riêng của mình. ở Sơn Tùng, có sự tổng hoà tư chất của một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch bản văn học và, tôi nhấn mạnh, nhà khoa học cộng với tình cảm của một chiến sĩ kháng 15
  6. chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh cũng như ý thức trách nhiệm của một công dân, một kẻ sĩ thời đổi mới. Sơn Tùng có nhiều tài liệu về người con gái đem lòng yêu Hồ Chí Minh, và bản thân Hồ Chí Minh cũng đem lòng yêu người con gái đó. Tôi cho rằng, trong cuộc đời Hồ Chí Minh có như vậy là sự thường. Tình yêu thời trai trẻ, tại sao không? Một thanh niên thư sinh, đẹp trai, hào hoa, phong nhã, lại là con của một người đỗ đại khoa (Phó bảng), con quan, con nhà gia giáo mà không rung động trước phái đẹp, mà lại không yêu một người con gái nào đó, cũng như không có người con gái nào yêu mình, mới là sự lạ. Nhưng Sơn Tùng khẳng định một cách chắc chắn, có cơ sở, rằng Hồ Chí Minh chưa bao giờ có vợ con. Đã có không ít người cho rằng, Hồ Chí Minh có một người vợ là người Pháp, một là người Đức, một là người Nga, hai bà là người Trung Quốc, hai người vợ Việt Nam, v.v. Và, đương nhiên câu chuyện và danh sách vợ con của Hồ Chí Minh, theo họ, chưa dừng lại ở đó. Ngay cả nhà nghiên cứu, giáo sư Hoàng Tranh (Học viện Khoa học xã hội Quảng Tây – Trung Quốc hiện đã nghỉ hưu) cũng đã có bài viết tương đối dài đăng trong Tạp chí Đông Nam Á Tung hoành, số 11-2001 (Trung Quốc) đề cập về cuộc sống vợ chồng Hồ Chí Minh – Tăng Tuyết Minh (người Trung Quốc). Nhưng, tôi đã đọc rất kỹ bài viết của Hoàng Tranh thì thấy rằng, lập luận và những chứng cớ mà ông nêu ra không có sức thuyết phục. Mấy cuốn sách, bài báo của một số người ngoài nước chẳng rõ thật hư ra sao về vấn đề này, lại viết theo Hoàng Tranh. Hồ Chí Minh là người hoạt động bí mật nhiều năm trời, cho nên không phải những gì mà tài liệu viết về Hồ Chí Minh đều là đúng sự thật, mặc dù đó là những tài liệu báo cáo chính thức, tài liệu lưu trữ trong kho lưu trữ chính trị-xã hội của Liên bang Nga từ năm 1992 (tiếp nối Lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô). Vì một số người không đặt vào hoàn cảnh đó khi nghiên cứu, cho nên mới dựa vào tài liệu báo cáo của Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương và tài liệu lưu trữ ở Liên bang Nga để nhận định không đúng rằng, Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng. Đấy là chưa kể có những người cố tình xuyên tạc, thêu dệt ly kỳ mặt “tình ái” của Hồ Chí Minh với mục đích bôi xấu ông, cho rằng ông chính là người bội bạc; rằng không phải ông là người đấu tranh giải phóng con người, đặc biệt là đấu tranh giải phóng phụ nữ, mà ông chỉ coi phụ nữ chỉ là đồ chơi; rằng, Hồ Chí Minh là con người nói dối, v.v. Tôi nghĩ rằng, nếu Hồ Chí Minh có đến 7 bà vợ và nhiều con như thế thì khi Việt Nam đang có chiến tranh ác liệt như vậy thì nhiều bà vợ chưa đến đất nước chồng mình đã đành, nhưng khi Việt Nam đã hoà bình rồi, khi Hồ Chí Minh đã nằm yên bình trong Lăng ở Ba Đình – Hà Nội rồi nhưng vẫn không có bà vợ nào (nếu còn sống), con cái nào của Hồ Chí Minh đến thăm. Làm gì có. Nhiều người cứ úp úp mở mở, viết và nói cứ lấp la lấp lửng làm ly kỳ hóa cái chuyện vợ con của Hồ Chí Minh. Tôi đồng ý với Sơn Tùng khi đàm đạo với ông về chuyện này. Ông “lý sự” rằng, các ông Trường-Chinh, Phạm Văn Đồng nhà có mấy đời đội mũ cánh chuồn mà khâm phục cái tâm, cái đức của Hồ Chí Minh và được cảm hoá từ nhân cách Hồ Chí Minh thì không phải chuyện vừa; giả sử Hồ Chí Minh là người cứ lăng nhăng, lít nhít về chuyện tình ái thì các ông ấy cạch, không bao giờ đi theo Hồ Chí Minh. Cổ nhân trên thế giới đã nói: Rendez à César ce qui est à César (Hãy trả lại cho Xêda những cái gì thuộc về Xêda). Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Tôi tuân theo quan điểm đó khi nghiên cứu, giảng dạy cho anh chị em sinh viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh và khi viết cuốn sách này. Hồ Chí Minh có một phong cách viết, nói đơn giản, dễ hiểu, nhưng sâu sắc. Cách viết, cách nói của ông nặng về lối dân giã cũng như bản thân cuộc sống của ông vậy. Hồ Chí Minh không làm bộ làm tịch, không gượng gạo, không làm ra vẻ ta đây gần dân, mà ông gần dân, hiểu dân, vì dân thật: giản dị cả trong lời ăn tiếng nói, trong cuộc sống thường nhật, gần gũi với mọi người chung quanh, nói tiếng nói của người dân bình thường, ăn miếng ăn như một người dân bình thường, tư duy diễn đạt rõ ràng, v.v. Hồ Chí Minh quen như thế và ông tự nhủ mình nên sống như thế. 16