Giáo trình Hướng dẫn học lịch sử triết học phương Đông (Phần 2) - Đại học Huế

Tư tưởng Pháp gia là một loại triết học chính trị ra đời trong cuộc đấu tranh kịch liệt khi xã
hội biến đổi mạnh mẽ vào thời Chiến quốc. Lịch sử Trung Quốc phát triển tới thời kì này đã gần
hoàn thành việc chuyển từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Kèm theo sự biến đổi trong cơ
sở kinh tế, chế độ tông pháp quý tộc xây dựng trên cơ sở chế độ nô lệ cũng bắt đầu tan rã, chế độ
gia tộc lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở cùng với lễ nhạc là cái dùng để giữ gìn gia tộc đó cũng
mất đi sức mạnh thống trị của nó. Giữa vua tôi cũng mất đi sợi dây ràng buộc của huyết thống thị
tộc trước kia, mà biến thành một loại quan hệ giống như giữa kẻ bán và người mua. Trong tình
hình "lễ băng, nhạc hoại" đó, các học phái đều tuyên truyền cho chế độ xã hội lí tưởng của mình.
Về mặt này, Pháp gia đề ra chủ trương chính trị hiện thực và rõ ràng nhất.
Pháp gia đại biểu cho lợi ích của giai cấp địa chủ mới lên. Nhiệm vụ đặt ra trước họ là : quét
sạch những tàn dư kinh tế của quý tộc chủ nô, phế bỏ đặc quyền của quý tộc, mở ra con đường
phát triển của kinh tế địa chủ và xây dựng chế độ chuyên chế phong kiến trung ương tập quyền.
Trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, họ yêu cầu kết thúc tình trạng trăm nhà đua tiếng, nhiều thuyết
tranh cãi nhau. Tư tưởng Pháp gia đơn giản, dứt khoát, chú trọng vấn đề lớn, lấy việc tăng cường
quân quyền, thực hành pháp trị làm chủ trương cơ bản.
Pháp luật và chính lệnh thời cổ không hề được công bố cho dân biết, việc định ra pháp lệnh
cũng không có trình tự nhất định. Luật mới, luật cũ cứ việc ban bố, khiến dân không biết chấp
hành thế nào. Nguyên nhân của việc đó là bọn quý tộc thống trị muốn thông qua việc độc quyền
về luật pháp để uy hiếp bách tính, duy trì quyền lợi đặc biệt của chúng. Pháp gia thì chủ trương rõ
ràng rằng luật pháp cần được "ghi chép trong sách vở, công bố tại công sở cho trăm họ đều biết",
"Vua tôi, trên dưới, sang hèn đều phải tuân theo pháp luật". Họ tích cực chủ trương thông qua
việc "biến pháp" (thay đổi pháp luật) để đánh đổ việc lũng đoạn pháp luật của quý tộc, dùng nền
chính trị của quan chức thay thế cho nền chính trị của quý tộc, tập trung quyền lực trong tay
hoàng đế phong kiến. Trên cơ sở đó, họ công bố pháp lệnh, thống nhất chế độ, khen thưởng việc
sản xuất và đánh trận, thực hiện một loạt biện pháp cải cách, đồng thời phế trừ mọi việc giáo dục
văn hóa khác để thống nhất tư tưởng từ trên xuống dưới trong toàn quốc. 
pdf 68 trang hoanghoa 09/11/2022 4540
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Hướng dẫn học lịch sử triết học phương Đông (Phần 2) - Đại học Huế", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_huong_dan_hoc_lich_su_triet_hoc_phuong_dong_phan.pdf

Nội dung text: Giáo trình Hướng dẫn học lịch sử triết học phương Đông (Phần 2) - Đại học Huế

  1. lấy hiệu là Quang Vũ, đóng đô ở Lạc Dương, đặt tên nước là Hán (năm 25), lịch sử gọi thời này là Đông Hán hay Hậu Hán. Trong thời kì Lưỡng Hán, rút ra bài học diệt vong của nhà Tần, bọn quý tộc phong kiến nhà Hán đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để củng cố vững chắc nền tảng giai cấp, xã hội của chế độ phong kiến. Thời Tây Hán, triều đình đã huỷ bỏ những điều luật hà khắc của nhà Tần, xoá bỏ những nhục hình, đình chỉ xây dựng những công trình lớn và giảm nhẹ sưu thuế cho dân để tạo sự ổn định trong đời sống xã hội. Về kinh tế, Hán Cao Tổ rất chú ý đến việc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp bằng cách phục viên binh lính cho về sản xuất và miễn thuế cho họ một thời gian sáu đến mười hai năm. Đối với giai cấp địa chủ, nếu vì chiến tranh phải rời bỏ quê hương, nay được trở về lấy lại ruộng đất và được khôi phục tước vị cũ. Đối với những người thân thích và công hầu, nhà vua phong tước, cắt đất ; còn với quan lại thì hầu hết được nhà vua thăng cấp. Thời Hán Vũ Đế, do thế lực các vương quốc còn mạnh, chính quyền trung ương thực tế chỉ cai trị được 15 quận, còn 39 quận là do các tập đoàn quý tộc địa phương khống chế, nên Hán Vũ đế đã thi hành nhiều chính sách nhằm tập trung mọi quyền lực vào Hoàng đế, xoa dịu mâu thuẫn xã hội để củng cố nền thống trị của mình, ra lệnh "mở rộng ân huệ" của Hoàng đế đối với các vương quốc Ngoài ra, Hán Vũ Đế còn hạn chế quyền lực của thừa tướng, ban lệnh cho các địa phương hàng năm phải tiến cử nhân tài để triều đình tuyển dụng làm quan, thiết lập quân đội thường trực ở trung ương gọi là "quân kì môn" và "quân vũ lâm". Còn dưới thời Vương Mãng nắm quyền, để xoa dịu mâu thuẫn ngày một tăng trong xã hội, nhà vua đã thực hiện một loạt những cải cách như tuyên bố tất cả ruộng đất trong nước đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua, gọi là "Vương điền", nô tì là "tư thuộc" cấm không được mua bán, gia đình không có đủ tám đàn ông không được chiếm trên một "tỉnh" ruộng đất (900 mẫu ta), người không có đất thì mỗi đinh nam được nhận 100 mẫu ; ruộng đất cấm không được mua bán. Nhà nước độc quyền quản lí sáu thứ : muối, sắt, đúc tiền, rừng núi, giá cả và việc cho vay nợ. Tuy nhiên, tính chất ăn bám quan liêu của nhà nước phong kiến và sự đấu tranh tranh giành quyền lực khá quyết liệt giữa các phe phái nội bộ nhà Hán đã gây nên nhiều sự xáo trộn trong xã hội làm cản trở sự thống nhất về kinh tế và chính trị của nhà Hán. Mặt khác, trong thời Lưỡng Hán, các thế lực phong kiến, địa chủ dùng quyền thế ra sức chiếm đoạt ruộng đất, vơ vét bóc lột nhân dân tàn bạo, vua quan ăn chơi xa xỉ, và làm cho số đông người tư hữu nhỏ và nông dân rơi vào tình trạng bần cùng. Thêm vào đó hạn hán và nạn châu chấu hoành hành đã làm cho cuộc sống nhân dân vô cùng cực khổ. Mâu thuẫn xã hội càng trở nên gay gắt. Một loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra, nhất là cuộc đại khởi nghĩa Hoàng Cân cuối đời Đông Hán, đã làm rung động cơ sở thống trị của nhà Hán. 81
  2. Thời Lưỡng Hán, nhờ có những cải cách về xã hội và kinh tế nên nền khoa học, kĩ thuật và văn hóa thời kì này cũng đạt được những thành tựu nhất định so với thời Tần. Trên cơ sở sự phát triển của nông nghiệp, nghề đúc thép, nghề dệt vải, nghề làm giấy và buôn bán hưng thịnh. Về tư tưởng, buổi đầu nhà Hán do thực hành chính sách phục sức dân, ổn định đời sống xã hội, nên học thuyết Hoàng Lão được tôn sùng. Các tư tưởng "vương đạo", "nhân chính", "hữu vi" của Nho gia cũng đã có ảnh hưởng nhất định. Đến đời Hán Vũ Đế, để thích ứng với nhu cầu tăng cường nền chuyên chế phong kiến, các trào lưu triết học chủ yếu phục hồi lí luận chính trị, đạo đức, thần quyền thời Tây Chu và lợi dụng chủ nghĩa thần bí trong thuyết Âm dương - Ngũ hành xuất hiện cuối thời Chiến quốc đề cao Nho học của Khổng - Mạnh, mê tín thuật thần tiên, ảo tưởng ở sự trường sinh bất tử Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống triết học có tính chất thần học "Thiên nhân cảm ứng", "Thiên bất biến đạo diệc bất biến", "vương quyền thần thụ" của Đổng Trọng Thư. Đặc biệt đến đời Đông Hán, Nho học lại được Đổng Trọng Thư cải tạo, kết hợp với thần học "sấm vĩ" thành một trào lưu tư tưởng phản động của chủ nghĩa duy tâm thần bí, chính thức trở thành hình thái ý thức chiếm địa vị thống trị trong xã hội phong kiến thời Lưỡng Hán. Đó là vũ khí tinh thần của giai cấp thống trị nhằm nô dịch quần chúng nhân dân lao động, hoà hoãn mâu thuẫn giai cấp trong xã hội và khống chế các tập đoàn phong kiến địa phương. Tuy nhiên, trên cơ sở phát triển của đời sống xã hội và những thành tựu của khoa học, kĩ thuật, tư tưởng triết học duy vật vô thần đã có bước phát triển mới nhân cuộc khủng hoảng xã hội với các cuộc bạo động của nhân dân liên tiếp nổ ra. Phái không cầm quyền là những tầng lớp địa chủ mới lên, những nhà tri thức tiến bộ đã đưa ra thế giới quan và những quan điểm chính trị - xã hội tiến bộ làm vũ khí tư tưởng chống lại tầng lớp địa chủ quý tộc cầm quyền lấy quan điểm thần học Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống trong đời sống tinh thần xã hội đương thời. Chính vì thế, thời Lưỡng Hán đã xuất hiện nhiều nhà triết học duy vật nổi tiếng như Tư Mã Thiên, Hoàn Đàm, Dương Hùng, Vương Sung, v.v. Họ đã đấu tranh mạnh mẽ với chủ nghĩa duy tâm thần bí tôn giáo, đem đến cho nền triết học thời kì đó một sinh khí mới. 37. triết học duy tâm của Đổng Trọng Thư Đổng Trọng Thư (179 - 104 tr.CN), người Quảng Xuyên (nay là thôn Đông Cố, huyện Cảnh, tỉnh Hà Bắc), là nhà Nho lớn thời Tây Hán, người đặt nền móng cho tư tưởng triết học chính thống thời Lưỡng Hán. Đổng Trọng Thư tự coi mình là người tiếp tục tư tưởng của Nho gia. Ông "chuyên trị sách Xuân thu, theo quan niệm thiên nhân tương dữ mà tin những sự tai dị". Do tư tưởng của ông phù hợp với nhu cầu của phái bảo thủ trong giai cấp địa chủ quý tộc thời đó, nên 82
  3. từ thời Hán Nguyên Đế sau, những chủ trương mà ông đưa ra dần dần đã được nhà Hán thực hiện. Học thuyết triết học của Đổng Trọng Thư về căn bản lấy tư tưởng Nho gia Tiên Tần làm cơ sở, đồng thời tiếp thu quan điểm của các học phái khác, đặc biệt là quan điểm của học thuyết Âm dương - Ngũ hành, làm thành một hệ thống mang tính chất thần học duy tâm với các luận đề " Trời người hợp nhất", "Trời người cảm ứng", "Trời không biến đổi, đạo cũng không biến đổi". Khi lí giải về nguồn gốc, kết cấu của vũ trụ, Đổng Trọng Thư đã kết hợp quan niệm "Thiên mệnh" của Khổng - Mạnh với thuyết Âm dương - Ngũ hành sáng tạo ra một vị thần có nhân cách, đứng trên cả vũ trụ, có ý thức, có đạo đức, đó là Trời. Ông nói "Trời có nhân vậy", "Trời vua của trăm vị thần" là người được nhà vua tôn quý. Ông xem trời như vị chúa tể tối cao chi phối tự nhiên và xã hội, là đại quân của bách thần, là ông tổ của mọi vật. "Trời là tổ của vạn vật, vạn vật không có trời không sinh. Trời làm ra cái tính mệnh của người, khiến người làm điều nhân nghĩa". Mọi sự vật, hiện tượng cũng như mọi quá trình biến hoá của tự nhiên và sự biến đổi hưng vong của xã hội đều là sự an bài có ý thức có mục đích của trời. Hoàng đế là con của trời nên gọi là "Thiên tử". Âm dương, Ngũ hành đều là thể hiện của mệnh trời. Trời lấy dương làm mặt chủ đạo, lấy âm làm mặt phụ thuộc. Dương quý mà âm tiện. "Trời tin dương mà không tin âm ; hiếu đức mà không hiếu hình". "Ngũ hành tương sinh" là thể hiện ân đức của trời, "Ngũ hành tương thắng" là thể hiện hình phạt của trời. Sự phân biệt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thể hiện sự mừng, giận, vui, buồn của trời. Vậy nếu sắp loại thì trời với người là một. Đổng Trọng Thư cho rằng, vũ trụ được cấu tạo bởi "thập đoan", có liên hệ mật thiết với nhau, đó là trời, đất, âm, dương, ngũ hành và con người. Thập đoan thông qua sự tương hợp của âm dương và sự "tương sinh tương khắc" của ngũ hành mà biến hoá thành vũ trụ vạn vật. Trong đó con người là sáng tạo đặc biệt của trời, vượt lên trên vạn vật, tương hợp với trời. Ông viết : "Trong khoảng trời đất là khí âm dương. Thường bao bọc người như nước thường bao bọc cá. Sở dĩ khác với nước là thấy được và không thấy được mà thôi". Theo Đổng Trọng Thư, trời đất sinh ra vạn vật, mục đích là để nuôi sống con người. Hình thể, tinh thần, tình cảm, đạo đức của con người đều là những cái trời sinh ra theo hình mẫu của trời. Cái đầu tròn của con người là tượng dung mạo của trời, tóc là tượng các vì sao, tai mắt là tượng mặt trời, mặt trăng, mũi miệng hô hấp là tượng gió mưa. Lòng tốt xấu, mừng giận của con người tương hợp với sự nóng lạnh, ẩm giáo của trời. Cốt cách, tứ chi, ngũ quan của con người đều phù hợp với số trời. Thậm chí, Đổng Trọng Thư còn quan niệm rằng, tri thức, đức tính của con người cũng bắt nguồn từ trời. Đạo đức, phẩm chất vốn có của trời cũng có sẵn ở trong tâm người. Do vậy, chỉ cần con người ta tự soi xét bản thân, thông qua sự phản tỉnh nội tâm để làm sáng cái thiên tâm, thiên tính của mình, quay về với đạo là có thể hiểu biết tất cả và trở thành thiện. Điều đó theo Đổng Trọng Thư, có nghĩa là con người ta chỉ cần thông qua sự thể nghiệm bản thân thì có thể nhận thức được ý trời, không cần thông qua thực tiễn, kinh nghiệm đời sống là sự giáo dục từ bên ngoài. Song theo ông, không phải người nào cũng có thể biết được trời. Chỉ có 83
  4. bậc thánh nhân mới sẵn có tài trí để hiểu thiên mệnh, quỷ thần, thậm chí biết trước cả ngàn năm và biết sau đến cả vạn thế. Đây chính là quan điểm nhận thức mang tính chất tiên nghiệm duy tâm của Đổng Trọng Thư. áp dụng quan điểm thần học duy tâm chủ nghĩa vào lĩnh vực xã hội, Đổng Trọng Thư quả quyết rằng trời là vị chúa tể tối cao với quyền uy linh thiêng, có thể cai quản tất cả, cho nên mọi việc trên thế gian, kể cả quyền thống trị của vua chúa phong kiến đối với nhân dân, đều là do ý trời quyết định và an bài. Vương quyền ấy chính là do trời trao cho vua (gọi là "vương quyền thần thụ"). Ông vua nhận mệnh trời, thừa ý trời mà gánh vác việc chăn dân trị nước. Trời là bậc chí cao vô thượng, cho nên quyền của vua cũng là chí cao vô thượng. Tuân theo ý trời, mọi người phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, phép tắc, đạo đức luân lí của chế độ phong kiến. Bất trung, bất hiếu là có tội với vua, với cha, cũng chính là có tội với trời. Phản lại vua tức là chống lại trời, mà "phản thiên chi đạo vô thành giả", tức phản lại đạo trời thì không thể thành công, nhất định sẽ bị trời trừng phạt. Nhất cử nhất động của người làm vua đều chịu sự giám sát của trời ; nếu thuận theo ý trời thì được hưởng phúc lành, mưa sẽ thuận, gió sẽ hoà, xã tắc yên ổn. Ngược lại, trái với ý trời sẽ bị trời "khiển cáo", khi đó hạn hán, lụt lội, dịch bệnh phát sinh. Tái phạm nghiêm trọng sẽ bị trời hỏi tội, gây nên nhật thực, nguyệt thực. Nếu không chịu sửa đổi sẽ bị trời trừng phạt gây nên sét đánh, động đất, binh đao máu lửa. Đổng Trọng Thư còn cho rằng, uy thế của trời là hết sức mạnh mẽ và linh ứng. Trời có thể thông cảm với con người. Cho nên con người cũng có thể bằng lòng thành và hành vi của của mình để cầu xin trời, làm cho trời phải xúc động, thông cảm với con người mà khiến cho tai tiêu nạn giải. Đó gọi là "Thiên nhân cảm ứng". Đổng Trọng Thư đem đạo đức luân lí của Nho gia và mục đích luận thần học liên hệ với nhau để đi tới biện hộ cho sự tồn tại hợp lí của chế độ xã hội phong kiến đương thời. Ông nói : "Trời sinh tính dân, có thiện nhưng chưa thể là thiện. Do đó mới lập nhà vua để làm cho thiện. Đó là ý trời". Tuân theo mệnh trời, dựa theo bốn mùa như trời, vua cũng cai trị dân bằng "tứ chính". "Khánh, thưởng, hình, phạt là tương ứng với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trời có bốn mùa, vua có tứ chính. Đó là trời và người cùng có như nhau". Không những thế, theo Đổng Trọng Thư tổ chức chính quyền cũng phỏng theo bốn mùa của trời. Bốn loại quan lại trong bộ máy Nhà nước tương ứng với bốn mùa trong năm. Cũng như vậy, ba người phụ tá của các quan lại trong mỗi hạng kia tương ứng với ba tháng trong mỗi mùa. "Cho nên, trời chọn bốn mùa, làm tròn mười hai (tháng) ; khiến cho sự biến hoá của trời được trọn vẹn. Làm cho hết sự biến hoá của người để được hợp với trời, duy có thánh nhân mới làm được". Dựa trên quan điểm định mệnh trong học thuyết Âm dương, Đổng Trọng Thư đã đưa ra lí luận "dương tôn âm ti", "dương thiện âm ác", cho rằng kẻ thống trị là biểu hiện của thế lực dương, còn người bị trị là biểu hiện của thế lực âm. Và theo ông, trật tự của âm dương là không thể thay đổi được, do đó trật tự giữa kẻ thống trị và bị trị trong xã hội cũng không thể thay đổi. 84
  5. Ông xem quân đội và bộ máy trừng phạt của Nhà nước là biểu hiện thế lực tính "kim", quần chúng nông dân là biểu hiện thế lực của hành "mộc". Cho nên, chính phủ trấn áp nông dân bạo động là thể hiện đúng theo quy luật "kim khắc mộc". Tuy Đổng Trọng Thư đã cố gắng đưa các phạm trù "khí", "âm dương", "ngũ hành"v.v để giải thích quy luật biến hoá của thế giới, nhưng với quan điểm duy tâm thần bí, ông lại cho rằng tất cả những thứ ấy đều bị ý chí của Thượng đế chi phối ; ý chí của trời thông qua các thế lực "âm dương", "ngũ hành" v.v để chỉ huy giới tự nhiên và vận mệnh loài người. Vì thế, triết học của ông mang đậm màu sắc mục đích luận. Đổng Trọng Thư còn đưa ra vũ trụ quan siêu hình : "Trời không đổi, đạo cũng không đổi" (Thiên bất biến, đạo diệc bất biến), phủ nhận sự phát triển và biến hoá của thế giới khách quan, để bênh vực cho sự tồn tại vĩnh viễn của trật tự chế độ phong kiến. Chính vì thế học thuyết của ông đã được quý tộc phong kiến thống trị nhà Hán ủng hộ. 38. Tư tưởng triết học của Dương Hùng và Hoàn Đàm - Triết học của Dương Hùng. Thời Tây Hán trong cuộc đấu tranh chống lại hệ tư tưởng triết học tôn giáo thống trị, đã xuất hiện nhà triết học duy vật nổi tiếng Dương Hùng thuộc phái cổ văn của Nho gia. Dương Hùng (53 tr. CN - 18 sau CN), tự là Tử Vân, người Thành Đô đất Thục, từng làm quan thời Tây Hán. Theo Dương Hùng, vũ trụ, trời đất vạn vật đều xuất hiện, biến hoá theo quy tắc và bản thể duy nhất là "huyền". "Huyền là đầu của thần, trời lấy không làm huyền". "Huyền là đạo mở ra muôn loài, ở trong chỗ u vi mà không ai biết được rõ hình trạng nhào nặn cái hư vô mà đặt ra cái khuôn mở rõ cái thần minh mà định bằng cứ, thông đồng cổ kim để mở cái loài, xếp đặt âm dương mà phát ra thành khí. Một chia, một hợp trời đất đủ vậy. Trời và mặt trời đi quanh. Cương nhu tiếp nhau. Trời và mặt trời đi rồi quay về chỗ cũ, chung thuỷ định vậy. Một sống một chết tính mệnh rõ vậy". Dương Hùng đã bác bỏ quan điểm duy tâm thần bí, siêu hình cho rằng, tự nhiên, xã hội do Thượng đế sáng tạo ra và chỉ dựng lên một lần, không có sự thay đổi gì cả. Từ đó ông đưa ra quan điểm về quá trình biến hoá của vũ trụ vạn vật : "Có sinh tất có tử, có đầu tất có cuối". Ông còn nói: "mặt trời, mặt trăng đi lại, một lạnh một nóng, luật để mở muôn vật, lịch để biết thời tiết. Luật và lịch giao với nhau, thánh nhân lấy đó làm mưu Ban ngày là hơn, ban đêm là kém. Một ngày một đêm, âm dương chia khác. Đạo đêm cực âm, đạo ngày cực dương. Con đực con cái theo nhau hợp lẽ chính thì đạo vua tôi, cha con, vợ chồng biện biệt rõ ra Âm dương thay đổi đi quanh, sống chết cùng giao, muôn vật tuân theo. Vậy đạo huyền là thu hết sự hợp trong tự nhiên mà liền làm một Trời đất thiết lập ra, cho nên quý tiện có thứ tự, bốn mùa đi lại, cho nên cha con nối nhau. Luật lịch bày ra cho nên vua tôi trị, thường và biến thay đổi, cho nên muôn vật biện biệt " 85
  6. Trên cơ sở tư tưởng về "huyền", Dương Hùng coi hiện tượng sống chết, sinh diệt là tự nhiên như âm dương chuyển hoá, ngày đêm thay đổi, bốn mùa lưu chuyển qua lại. Ông phê phán sự mê tín vào phương thuật thần tiên và quan điểm ảo tưởng vào sự trường sinh bất tử cũng như tư tưởng sấm vĩ hoang đường thịnh hành đương thời. Như vậy, có thể nói tư tưởng "Thái huyền" của Dương Hùng là sự phát triển quan điểm "đạo pháp tự nhiên", "đạo vô vi" của Lão Tử và quan điểm "nhất âm nhất dương chi vị đạo". "Âm dương, tương thôi nhi sinh biến hoá", "dựng đạo trời là âm dương, dựng đạo đất là nhu cương, dựng đạo người là nhân nghĩa " của Kinh Dịch trên lập trường duy vật. Tuy nhiên, tư tưởng "Thái huyền" của Dương Hùng đã có bước thay đổi so với tư tưởng trong Kinh Dịch. Dịch lấy âm dương làm gốc thì huyền lấy 1, 2, 3 tương ứng với trời, đất và người làm gốc. Dịch có sáu hào thì huyền có bốn tầng là phương, châu, bộ, gia. Mỗi gia biến ra ba thủ, mỗi bộ gồm ba gia biến ra chín thủ, mỗi châu gồm ba bộ biến ra 27 thủ, mỗi phương gồm ba châu biến ra 81 thủ. - Triết học của Hoàn Đàm. Vào khoảng những năm trước và sau công nguyên, trong cuộc đấu tranh chống lại tư tưởng thần học, sấm vĩ đã xuất hiện nhà khoa học, đồng thời cũng là nhà tư tưởng kiệt xuất Hoàn Đàm (23 tr. CN - 50 sau CN). Ông tự là Quân Sơn, người nước Bái (nay là huyện Túc, tỉnh An Huy). Hoàn Đàm là nhà triết học duy vật chủ nghĩa thời Đông Hán. Trên cơ sở những tri thức khoa học, Hoàn Đàm đã giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác con người. Ông cho rằng, trời không hề có ý chí, tình cảm như con người. Vạn vật sinh trưởng một cách tự nhiên không có một lực lượng siêu nhiên, thần bí nào chi phối. Ông đưa ra lí luận "người chết thì tinh thần, linh hồn cũng diệt". Ông dùng ngọn đuốc để ví hình và thần của con người. Trong đó, theo ông thần, tức là tinh thần, ý thức của con người, là ngọn lửa linh động ; còn hình, tức là thể xác con người, là bó đuốc. Ngọn đuốc tàn thì lửa cũng tắt. Điều đó có nghĩa là hiện tượng tinh thần hay linh hồn, ý thức của con người tồn tại là dựa và sự tồn tại của hình thể con người. Khi người ta chết đi, thể xác tan ra thì tinh thần cũng mất. Theo quan điểm ấy, Hoàn Đàm cho rằng, nếu "thịt xương khí huyết của con người được giữ gìn khoẻ mạnh thì tinh thần sẽ đầy đủ và minh mẫn, nếu không thì tinh thần cũng theo đó mà suy nhược". Ông còn xem sự sinh, thành, sống, chết của con người ta là hiện tượng có tính tất nhiên. Theo quá trình biến hoá tự nhiên thì động vật, con người phải trải qua các giai đoạn như : sinh ra, trưởng thành, già yếu, chết đi ; giống như sự giao tiếp biến chuyển của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của tự nhiên, không hề tuân theo ý muốn của ai, không ai có thể chống lại và cũng không hề có sự sắp đặt, chi phối của bất cứ một lực lượng siêu nhiên nào. Quan điểm duy vật thô sơ của ông về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác con người "hình thể mất đi thì tinh thần cũng diệt" đã bác bỏ tư tưởng về "linh hồn bất diệt" sau khi người ta chết đi, đồng thời chống lại ảo tưởng hão huyền về "thuật trời sinh bất tử"lưu hành trong giai cấp quý tộc nhà Hán đương thời. 86
  7. Về tư tưởng chính trị, Hoàn Đàm chủ trương tư tưởng pháp trị, tán thành "quyền lực thống trị đều từ một mối, chính sự không thể theo hai môn phái, thưởng phạt phải sát thực, pháp lệnh phải rõ ràng". Ông phản đối việc đề bạt chức tước chỉ cất nhắc con cháu những nhà quyền thế, kiến nghị trọng dụng những người có tài, dám đổi mới. Những tư tưởng duy vật tiến bộ trên của nhà khoa học Hoàn Đàm đã giáng một đòn mạnh mẽ vào sự thống trị của chủ nghĩa duy tâm tôn giáo và tư tưởng thần học sấm vĩ. Nó thực sự có ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội cũng như đối với sự phát triển của chủ nghĩa duy vật vô thần trong quan điểm "Thần diệt luật" của Vương Sung, Phạm Chẩn sau này. 39. Học thuyết triết học duy vật và vô thần của Vương Sung Thời Đông Hán, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, thần học sấm vĩ đã xuất hiện nhà triết học duy vật, nhà vô thần luận vĩ đại Vương Sung. Vương Sung (27 - 100) tự là Trọng Nhậm người Thượng Ngu, Cối Kê (nay là huyện Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang). Thời Đông Hán, do sự suy vi của nền kinh tế và chế độ chính trị xã hội, người ta một mặt, ra sức tuyên truyền những điều tai dị, hoang đường và chủ nghĩa duy tâm thần bí ; mặt khác, trong học thuật, tư tưởng lại thiên về lối học huấn hỗ từ chương, sùng cổ, tin tưởng tuyệt đối vào những bậc "thánh hiền", lấy lời thánh nhân làm chỗ dựa tinh thần khi xã hội bắt đầu rối loạn, đạo lí bắt đầu suy vi. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật và chủ trương biến pháp trong cải biến xã hội, Vương Sung đã phê phán kịch liệt những tư tưởng duy tâm thần bí, mê tín hoang đường, phát triển chủ nghĩa duy vật cổ đại lên một bước, dựa trên những thành quả của tri thức khoa học và thực tiễn sản xuất xã hội đương thời. Vương Sung cho rằng thế giới là do nguyên thể vật chất đầu tiên, duy nhất, tồn tại vĩnh viễn tạo nên. Nguyên thể ấy là "khí". Ông gọi là "nguyên khí". Toàn bộ những sự vật, hiện tượng phong phú của tự nhiên đều là một phần của "khí", người ta cũng là sản phẩm của tự nhiên do "khí" tạo thành. Ông nói : "Khí ngưng tụ lại thành con người, cũng giống như nước đông lại thành băng". Ông cho rằng do sự vận động biến hoá của khí mà vũ trụ vạn vật được sinh ra. Đó là "tự nhiên sinh hoá của Khí", là "vô vi" không theo một ý chí, mục đích nào cả. Ông viết : "Trời động hành là thi cái khí ra. Cái thể động thi cái khí ra và các vật sinh. Như người động cái khí vậy ; thế động thì khí ra và con sinh. Lúc người thi cái khí ra là không phải để sinh con, nhưng khí đã thi ra thì con tự sinh vậy. Trời động không muốn để sinh vạn vật mà vạn vật tự sinh, ấy là tự nhiên. Thi cái khí ra, không muốn làm các vật, mà vật tự làm, ấy là vô vi. Bảo trời tự nhiên và vô vi là sao ? là khí vậy. Khí là điềm đạm, vô dục, vô vi, vô sự vậy". Từ đó, Vương Sung đã phê phán quan điểm duy tâm thần bí mang tính chất mục đích luận của cả Âm dương và Nho gia. Ông đưa ra luận điểm trời đất vô thuỷ vô chung, không sinh không mất. Đạo trời là tự nhiên, vô vi : "Hợp khí trời đất, vạn vật tự sinh". Ông khẳng định, trời đất 87